Sự phát triển của công nghệ thông tin, trong đó có mạng xã hội là một tiến bộ của nhân loại. Mạng xã hội giúp con người xóa đi khoảng cách về địa lý, tự do chia sẻ thông tin, suy nghĩ cảm xúc của mình… nhưng đây cũng là môi trường thuận lợi để kẻ xấu thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có việc bôi nhọ danh dự nhân phẩm của cá nhân, tổ chức, chia sẻ các thông tin không đúng sự thật với ý đồ xấu…
Nếu Facebook được ví như 1 quốc gia thì đây là quốc gia đông dân thứ 2 thế giới có biên giới mềm với khoảng 1,31 tỷ facebooker hiện diện trên toàn cầu do đó mức độ ảnh hưởng khi lan truyền tin giả trên mạng ảo có thể tạo ra những tác động hệ lụy nguy hại trong đời thật.
Dù bị cấm đưa các thông tin sai lệch về quyền riêng tư hoặc bảo mật thông tin cá nhân, bắt buộc phải có sự đồng ý rõ ràng của người dùng trước khi có thay đổi ảnh hưởng tới quyền riêng tư của họ nhưng dường như Facebook đang đánh đổi sự riêng tư của các Facebooker để lấy lợi nhuận thương mại.
Chắc hẳn chưa ai quên vụ bê bối dữ liệu Facebook–Cambridge Analytica liên quan đến việc thu thập thông tin nhận dạng cá nhân của ít nhất 50 triệu người sử dụng Facebook từ năm 2014. Cambridge Analytica được Facebook cấp quyền sử dụng thông tin người dùng nhưng lại dùng sai mục đích. Những số liệu này được dùng để xây dựng “đồ họa tâm lý” cho quảng cáo chính trị, tác động mạnh mẽ lên kết quả cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ, tạo ra những quảng cáo hướng đích dành cho các chiến dịch ủng hộ Brexit, chiến dịch bầu cử tổng thống của Ted Cruz và của Trump vào năm 2016.
Sau đó Facebook lại tiếp tục bị cáo buộc việc thu thập, lưu giữ các thông tin nhạy cảm như lịch sử cuộc gọi và tin nhắn của những Facebooker cài đặt trên nền tảng Android. Dù nhằm mục đích gì đi chăng nữa thì hành động này vẫn khiến nhiều người lo ngại về sự riêng tư khi sử dụng mạng xã hội số 1 hành tình. Không ít người đặt ra câu hỏi liệu Facebook chỉ sử dụng các thông tin cá nhân để cải thiện dịch vụ của mình hay có chia sẻ những thông tin nhạy cảm này với bên thứ 3 như đã từng làm trước đó hay không.
Với công nghệ nhận diện khuôn mặt thông qua tính năng tag, Facebook lại một lần nữa có nguy cơ đối mặt với 1 vụ kiện tập thể khi Facebook thu thập trái phép dữ liệu sinh trắc của người dùng thông qua tính năng nhận diện khuôn mặt trên mạng xã hội tại bang Illinois, Mỹ nơi có những điều luật nghiêm ngặt bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Công nghệ nhận diện khuôn mặt được Facebook triển khai tại châu Âu từ năm 2012 nhưng sau đó rút bị lại khi cơ quan theo dõi dữ liệu Ireland tuyên bố tính năng này phạm luật.
Theo điều luật của GDPR (Quy định chung về Bảo vệ dữ liệu của Liên minh Châu Âu), những công ty bị hacker tấn công mà không thể đảm bảo an toàn cho khách hàng sẽ bị phạt số tiền tối thiểu 23 triệu USD, hoặc nặng hơn là 4% lợi nhuận năm gần nhất. Vậy là với phần trăm lợi nhuận của Facebook năm 2017, mạng xã hội lớn nhất thế giới có nguy cơ nhận phải án phạt lên đến 1,63 tỷ USD, không là gì so với con số 96% còn lại họ được hưởng. Thiệt hại thuộc về những người sử dụng Facebook khi khả năng tự bảo vệ bản thân khỏi những tấn công mạng trên không gian ảo lớn nhất thế giới này bị hạn chế bởi ngôn ngữ, kiến thức và những quy định, điều khoản cam kết phức tạp rối rắm của Facebook khiến nạn nhân khó có thể đòi lại công bằng cho mình.
Việc ngang nhiên sử dụng hình ảnh trên facebook của người khác mà không có sự đồng ý của người đó, liệu có vi phạm pháp luật không? Nếu xâm hại đến danh dự, nhân phẩm của người khác dẫn đến nạn nhân bị ảnh hưởng về tinh thần, vật chất hay thậm chí là tính mạng thì liệu Facebook có vô can khi đơn giản là tuyên bố họ không chịu trách nhiệm hay nền tảng của họ không thể quản lý những nội dung các Facebooker đăng tải? Facebook có chế tài gì để xử lý đối với người có hành vi nêu trên? Chẳng phải trách nhiệm duy trì một cộng đồng an toàn để mọi người kết nối và sẻ chia là cam kết của Facebook như chính “ông vua” Mark Zuckerberg đã tuyên bố trong phiên điều trần và cũng thừa nhận công ty đã không làm đủ tốt để ngăn chặn các vụ tấn công, chiếm đoạt dữ liệu hay sao?
Sử dụng công cụ trong ngắn hạn dựa trên nền tảng kỹ thuật thấp chủ yếu là do ý thức của người sử dụng như việc report tin bài và tài khoản như là 1 biện pháp sàng lọc thông tin liệu có nghĩa là Facebook đang lảng tránh trách nhiệm kiểm duyệt thông tin trên trang mạng của mình? Những điều chỉnh nhằm “hạn chế tin giả, tin sai sự thật” từ phía Facebook đơn giản chỉ là thêm trí tuệ nhân tạo, thêm các đoạn mã, hay vá lỗi trong ngắn hạn mà thôi. Facebook cần có trách nhiệm giải quyết việc thao túng nền tảng này trong các cài đặt có thể khiến người dùng gặp nguy hiểm hoặc bị vi phạm quyền riêng tư như bảo mật thông tin.
Thế nhưng tình trạng bảo mật thông tin yếu và sau đó bị khai thác trái phép vẫn xảy ra một cách tương đối dễ dàng và phổ biến trên Facebook đặc biệt khi người dùng truy cập vào các liên kết có tính năng bảo mật an ninh thấp được cho phép đăng trên Facebook và không người dùng nào có thể biết trước những ứng dụng nào khác kiểu như thisismydigitallife, myPersonality, Facebook Research… có hay không nhằm mục đích thu thập thông tin người dùng thậm chí sao lưu và đọc cả tin nhắn riêng tư, cuộc gọi…
Facebook không tạo ra nội dung và không chịu trách nhiệm về nội dung vượt quá tiêu chuẩn cộng đồng của mình, nhưng nó tạo ra, quản lý và kiểm duyệt các hệ thống chuyển nội dung nhất định lên đầu News Feed. Lợi nhuận thu được từ quảng cáo lại là giá trị thật còn những giá trị ảo Facebook góp phần tạo ra dù là ý nghĩa tích cực hay tiêu cực thì cũng mang lại những hệ lụy thật cho các cá nhân, tổ chức, thậm chí là cả một quốc gia. Nếu là báo in thì những gì được in trên mặt báo có thể làm bằng chứng kết tội giám đốc nhà xuất bản, tổng biên tập, tác giả và những người có liên quan. Vậy còn Facebook thì sao? Công ty cần phải xem xét vai trò của mình trong việc thụ động cho phép vi phạm nhân quyền, các bài đăng với thông tin sai lệch nhằm kích động bạo lực và nền tảng cho phép chúng dễ dàng bị lan truyền.
Các câu hỏi pháp lý ở đây sẽ bao gồm liệu Facebook có hiểu bản thân như một dạng cơ sở hạ tầng cốt lõi ở các quốc gia hay không, trách nhiệm của các công ty cơ sở hạ tầng là gì để ngăn chặn hoặc thấy trước các tác hại, liệu có thể lập luận một cách hợp lý rằng chính cơ sở hạ tầng tạo điều kiện hoặc gây hại và liệu những nỗ lực của Facebook nhằm thúc đẩy kiến thức kỹ thuật số và tăng cường nhận thức về các tiêu chuẩn cộng đồng đã thể hiện nỗ lực đủ để giảm thiểu chúng.
Với sự phát triển của thông tin truyền thông ngày càng nhanh chóng thì facebook nói riêng, hay các trang mạng xã hội nói chung đã không còn đơn thuần là không gian riêng tư của mỗi người. Bên cạnh những mặt tích cực, facebook hiện đã và đang trở thành “công cụ” đắc lực để một số nhóm người lợi dụng nhằm xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, gièm pha, làm mất uy tín của cá nhân, doanh nghiệp, hay đối thủ cạnh tranh… mà nạn nhân có thể là bất kỳ ai trong xã hội kể cả khi bạn dùng hay không dùng Facebook.