Tại TP.HCM lại bắt được đối tượng người nước ngoài sử dụng thẻ ATM giả để rút tiền. Tại sao thẻ ATM giả lại có thể rút được tiền đang được cơ quan chức năng làm rõ nhưng chắc chắn người sử dụng cần sớm nhận thức được sự nguy hiểm của loại tội phạm này. Theo báo VietNamNet đưa tin ngày 14/3, công an TP.HCM đã bắt giữ một đối tượng người Bungari có tên là Stoyanoy Yuliyan Georgiev (sinh năm 1985) để điều tra hành vi sử dụng thẻ ATM giả rút tiền trên địa bàn TP.HCM. Trước đó, bảo vệ ngân hàng ACB đã phục kích, bắt quả tang y đang sử dụng thẻ ATM rút tiền tại điểm ATM tại đường Đỗ Quang Đẩu, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1. Khám xét trong người và tại nơi lưu trú của Stoyanoy Yuliyan Georgiev tại khách sạn Legend, Q.1, cơ quan công an đã thu giữ lượng lớn tang vật gồm: 55 triệu đồng tiền mặt, 55 thẻ tín dụng các loại, 240 thẻ các loại… Đặc biệt có 1 vali tiền Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên TP.HCM bắt đối tượng người nước ngoài dùng thẻ ATM giả để rút tiền. Gần đây nhất, vào tháng 1/2014, công an TP.HCM đã bắt giam một người Nga và hai người Ukraina vì tình nghi họ sử dụng thẻ ATM giả để rút ít nhất tương đương 33.000 USD. Theo báo Thanh Niên News, nhân viên của ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho biết họ đã nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở cây ATM trên đường Võ Văn Tần khi một đối tượng rút một lượng tiền lớn. Nhân viên này đã báo cho công an và các đối tượng này đã bị bắt, cùng với số tiền tang vật và hơn 100 thẻ ATM giả. Hiện công an TPHCM đang điều tra, mở rộng vụ án đối tượng người Bungari và chưa có thêm thông tin gì về vụ đối tượng Nga, Ukraina trước đó nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi sử dụng thẻ ATM giả để rút tiền là loại tội phạm phổ biến trên thế giới và đang “lây lan” vào Việt Nam. Vậy làm thế nào thẻ ATM giả lại có thể rút được tiền? Nhất là trong khi ngay cả nhiều người dùng thẻ thật nhưng quên mật khẩu thì cũng không có cách nào rút được tiền.
Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng Bkav cho biết ở đây hình thức là thẻ ATM, nhưng bản chất là thẻ tín dụng, vì thẻ tín dụng cũng rút được ở cây ATM. Thông tin thẻ tín dụng chùa rất phổ biến trong thế giới ngầm và khi đối tượng nắm được thông tin này thì bước tiếp theo là tạo ra các thẻ giả để rút tiền tại các cây ATM.
Hiện có ba cách chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng phổ biến nhất: Máy tính của người sử dụng bị cài virus: máy tính, trong đó có thông tin về thẻ tín dụng, bị kiểm soát và gửi dữ liệu về cho tội phạm mạng lấy mã số thẻ và thông tin thẻ.
Cách thứ hai là tội phạm mạng lừa và tìm cách gửi cho người dùng một đường link website mà người sử dụng hay sử dụng, nhưng thực sự là một trang lừa đảo có giao diện giống hệt một trang web thông thường, khi người dùng nhập thông tin vào thì nó sẽ chuyển thẳng tới tội phạm mạng.
Cách thứ ba là tội phạm mạng xâm nhập vào website mà người sử dụng đã giao dịch, dánh cắp thông tin từ những nơi khách hàng đã từng giao dịch. Ông Ngô Tuấn Anh cho rằng tại Việt Nam, loại ăn cắp thông tin thẻ qua lây virus là phổ biến. Để phòng tránh mối rủi ro này, trước hết người sử dụng phải sử dụng phần mềm phòng chống virus. Vì người sử dụng không thể tự biết được trên máy có bị nhiễm virus hay không, không thể tự phát hiện ra các loại virus này. Để vào các cổng thanh toán trực tuyến, phải gõ địa chỉ trực tiếp vào trình duyệt, không nên bấm vào đường link, vì đường link và địa chỉ thực tế có thể khác nhau. Không thanh toán điện tử ở những webite ít tên tuổi, ít đảm bảo. Và cuối cùng, nếu bạn có giao dịch, nên đăng ký dịch vụ thông báo từ ngân hàng hoặc hạn chế số giao dịch/lượng tiền giao dịch trong một ngày với ngân hàng mà người dùng mở thẻ.
Nguồn: vnreview.vn