Theo đại diện của Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA), việc Chính phủ Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phần mềm kiện các doanh nghiệp vi phạm bản quyền ra tòa là một bước tiến mới thể hiện sự nghiêm túc, quyết liệt bảo hộ quyền tác giả phần mềm máy tính.
Nhân ngày “Ngày sách và bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day)23/4/2014, ông Đào Anh Tuấn, Điều phối viên Chương trình BSA Việt Nam chia sẻ quan điểm của BSA về nỗ lực chống vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam. Ông Đào Anh Tuấn cho biết những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đạt được những bước tiến dài trong chiến dịch chống lại vi phạm bản quyền phần mềm với những thành công đáng kể. Nếu như năm 2004, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam là 92%, nằm trong số các nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới, thì đến năm 2012, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm đã giảm xuống 81%, thoát khỏi danh sách nhóm các quốc gia đứng đầu thế giới về vi phạm bản quyền phần mềm. “Một hệ thống luật pháp đủ mạnh để bảo vệ sở hữu trí tuệ phần mềm máy tính và sự tích cực trong việc đẩy mạnh công tác thực thi là những điểm nổi bật của Việt Nam trong năm gần đây. Đặc biệt, việc Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phần mềm kiện các doanh nghiệp vi phạm ra tòa trong cuối năm 2013 là một bước tiến mới trong việc thực thi, thể hiện sự nghiêm túc và quyết liệt của Chính phủ nhằm bảo hộ quyền tác giả phần mềm máy tính. Sự kiện Lạc Việt và Microsoft thắng kiện một công ty Đài Loan trong vụ kiện ra tòa đầu tiên vừa qua càng khiến các nhà sản xuất phần mềm trong và ngoài nước đặt niềm tin vào quyết tâm bảo vệ quyền tác giả phần mềm máy tính của Chính phủ Việt Nam”, ông Đào Anh Tuấn nói.
Cũng theo ông Đào Anh Tuấn, không chỉ khuyến khích, cổ vũ các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội tuân thủ quy định về bản quyền phần mềm máy tính, Chính phủ Việt Nam đã đi đầu trong việc tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ phần mềm thông qua việc đứng ra mua phần mềm cho các cơ quan thuộc khối Chính phủ trong thời gian qua. Với những nỗ lực không ngừng của các cơ quan Chính phủ liên quan trong năm qua, hy vọng tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Theo thông lệ hàng năm, BSA đều có công bố về hiện trạng vi phạm bản quyền phần mềm trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dự kiến đến tháng 6/2014, Kết quả nghiên cứu tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm trên toàn thế giới mới nhất sẽ được BSA phối hợp với IDC công bố chính thức. Nghiên cứu này được IDC tiến hành một cách độc lập. Nhằm hỗ trợ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam giảm mạnh tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính, nhiều năm qua, BSA đã phối hợp với các cơ quan Chính phủ Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo nhằm tuyên truyền nhận thức về việc tuân thủ bản quyền phần mềm máy tính, và giới thiệu các công cụ quản lý phần mềm hiệu quả cho Việt Nam. Đến nay, BSA đã cùng một số doanh nghiệp phần mềm lớn của thế giới xây dựng và vận hành cổng thông tin Verafirm, công cụ mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tự thống kê số lượng phần mềm đang sử dụng, phần mềm nào có bản quyền, phần mềm nào chưa có bản quyền… và định vị được mức độ hợp pháp của doanh nghiệp. Công cụ này cũng góp phần hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước biết được hiện trạng tuân thủ pháp luật về bản quyền phần mềm của doanh nghiệp ở quốc gia mình. Nhiều doanh nghiệp ở Mỹ và các quốc gia đề cao tính tuân thủ bản quyền đã vào cổng Verifirm để kiểm tra sự “sạch sẽ” về nền tảng CNTT có bản quyền của đối tác nước ngoài gồm cả các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm, cá, thép..
Nguồn ICTnews